Phản ứng: Sếp ơi, em xin nghỉ việc
Phản ứng như thế nào khi “Sếp ơi, em xin nghỉ việc”? Khi 1 nhân sự hay nhà lãnh đạo ra đi (Nghỉ việc), bạn lại là CEO của công ty thì lúc này bạn nên phản hồi ra sao?
Phản ứng trong suy nghĩ:
- Nhân sự này giỏi – phù hợp với những tiêu chí của bạn đề ra? Bạn thật sự không muốn người ấy rời đi. Bạn phải kiếm 1 ai đó có năng lực phù hợp với vị trí đó để thay thế.
- Một số thành viên khác của công ty lại vui vẻ khi bạn nhân sự này ra đi?
Đối với với những tin nhận được từ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, là một nhà lãnh đạo cấp cao, bạn cần phải thể hiện được sự điềm tĩnh. Sau đây là một vài mẹo giúp các bạn có thể bổ sung thêm đáp án cho quyết định cuối cùng của chính mình.
1. Nhận tin tức một cách đơn giản
THƯ THẢ ÍT PHÚT VÀ CHẤP NHẬN SỰ THẬT
Tĩnh lặng là sự nhận thức về một sự việc đang diễn ra. Là một nhà lãnh đạo của công ty, đa phần các sếp đều có được tính cách tĩnh lặng khi đối diện với một thông tin. Chúng ta sẽ thấy họ đa phần không phản hồi ngay và im lặng đôi lúc, sau đó họ sẽ tiếp nhận thông tin một cách thư thái và bình tĩnh giải quyết. Đơn giản là hãy cho bản thân một vài phút để đón nhận tin nếu nó quá bất ngờ đối với bạn, từ từ chấp nhận và đừng nóng vội đưa ra hướng giải quyết.
2. Điềm tĩnh và kiểm soát tốt cảm xúc
Trong những giây phút thất vọng như thế này, hãy hít thở sâu và nhìn nhận cảm giác của bạn. Sự nhìn nhận này nếu xuất hiện trước cả những cảm giác và suy nghĩ đến từ tin tức, thì bạn có thể kiểm soát chúng một cách dễ dàng hơn. Phương pháp dán nhãn cảm xúc này càng cụ thể càng tốt: thất vọng, chán nản, tổn thương, cảm thấy bị phản bội, tức giận… Điều đó giúp bạn nhận thức về bản thân ngay tại thời điểm đó và điều hướng sang phản ứng mang tính xây dựng hơn.
Còn khi không nhận thức được những cảm xúc tiêu cực này, chúng có thể nổi lên như sóng ngầm và khiến ta khó kiểm soát. Ví dụ như một cơn tức giận bộc phát khiến bạn la mắng, đập bàn hoặc thậm chí đuổi thẳng người xin nghỉ việc ra khỏi phòng. Những hành vi phản cảm này sớm muộn gì cũng sẽ khiến bạn hối hận.
Mặt khác, không nên nói thẳng ra cảm xúc bạn gặp phải khi đó với người xin nghỉ việc. Hãy nói đơn giản: “Tôi rất tiếc khi bạn rời đi, nhưng đó có vẻ như là một cơ hội tuyệt vời cho bạn nên tôi sẽ ủng hộ”. Hãy luôn khiến nhân viên của bạn dù nghỉ việc vẫn luôn tôn trọng bạn và công ty bạn.
3. Nên đặt mình ở tư cách là nhân viên xin nghỉ
Chúng ta thất vọng, cảm thấy tổn thương hoặc bị phản bội là bởi chúng ta có kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục đồng hành với chúng ta trong tương lai. Hãy tránh những đánh giá mang tính cá nhân (“Hay là mình quản lý chưa tốt? Họ có gì không hài lòng với cách mình điều chăng?”). Tốt nhất là hãy đặt cái tôi của bạn xuống và đặt mình vào vị trí của nhân viên để nhìn nhận.
Họ có thể ra đi để có cơ hội tốt hơn, lương thưởng hấp dẫn hơn, vì lý do cá nhân hoặc tất cả những điều trên. Họ cảm thấy con đường phát triển sự nghiệp tốt nhất là rời khỏi tổ chức và học hỏi thêm kinh nghiệm ở nơi khác. Đó là sự nghiệp của họ, vì vậy hãy tôn trọng việc họ lựa chọn điều tốt nhất cho bản thân, sự nghiệp và gia đình – điều mà bất kỳ ai cũng mong đợi. Đó là quyền tự do của mỗi người như họ cũng như chính bạn.
4. Hỏi hang, tò mò và trao đổi mang tính xây dựng
Bạn có thể thể hiện sự quan tâm và tò mò thực sự để tìm hiểu lý do họ rời đi và họ sẽ làm gì tiếp theo. Hãy hỏi xem họ có đóng góp ý kiến gì để bạn và tập thể có thể trở nên tốt hơn. Một cách hỏi khác là: “Công ty nên thay đổi điều gì nếu muốn bạn ở lại?”. Có thể bạn sẽ bất ngờ về những gì mà những người ‘sắp cũ’ này nhận định.
Câu hỏi “Điều gì khiến bạn hài lòng nhất khi làm việc tại đây?” cũng có thể mang đến các điểm sáng để bạn và công ty tiếp tục phát huy trong tương lai. Những phản hồi hữu ích này có thể gia tăng quyền lợi cho những nhân viên còn lại cũng như là cơ sở để hấp dẫn các ứng viên tương lai.
Sự quan tâm đó không hề là vô ích, nó không chỉ giúp nhân viên xin nghỉ việc cảm thấy rằng dù sắp dừng cuộc chơi tại đây nhưng họ vẫn nhận được sự quan tâm, họ sẽ đánh giá cao công ty của bạn, đồng thời bạn cũng nhận lại được những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng cho sự phát triển trong tương lai.
5. Ủng hộ là một phản ứng đồng cảm
Nếu bạn mong đợi sẽ còn gặp lại những nhân viên này trong tương lai, hãy thể hiện sự ủng hộ của bạn đối với quyết định của họ và để lại ấn tượng cuối tích cực.
Bạn không thể biết, một ngày nào đó nhân viên cũ của bạn có thể là khách hàng tương lai hoặc giới thiệu bạn cho đối tác và các ứng viên khác. Vì thế, hãy chân thành chúc họ thành công.
6. Trách nhiệm của một nhân sự
Nhân viên đó chắc chắn sẽ muốn nghỉ càng sớm càng tốt để có thời gian xả hơi trước khi bắt tay vào công việc mới. Hãy nói rõ những điều bạn cần họ hoàn thiện trước khi đi, để đảm bảo quá trình vận hành công việc không bị trì trệ. Đó có thể là việc bàn giao danh sách liên hệ, đào tạo và chỉ dẫn các tiến độ đầu việc dang dở hoặc các nhiệm vụ cần thực hiện đúng hạn cho người mới.
Sự ra đi của một người không nhất thiết phải là sự kết thúc của một mối quan hệ đồng nghiệp. Và việc bạn cư xử một cách chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tiếp tục có căn cứ xây dựng các điều tích cực có sẵn, khắc phục những điều chưa hoàn hảo trong môi trường làm việc, hoặc đơn giản là tiếp tục xây dựng những mối quan hệ rộng lớn hơn trong tương lai.
Trên đây chính là một số điều mà Tấn Vàng mong rằng các nhà lãnh đạo nên làm nếu như có một nhân viên xin nghỉ việc tại công ty, hãy để bản thân luôn ở vị trí được người khác tôn trọng cho dù bạn muốn hay không về sự ra đi của người đó. Mặc dù rõ ràng là có thể bạn sẽ không gặp phải người đó trong tương lai, nhưng hãy nhớ rằng không điều gì là chắc chắn cả, và việc duy trì quan hệ tốt với cả nhân viên sắp nghỉ việc có thể sẽ mang lại nhiều hiệu ứng tốt cho tương lại của doanh nghiệp.
Xem thêm: Những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tại TP.HCM